Chắc hẳn những thực khách đi uống cũng như những ai đã quá quen thuộc với Whisky đều đã thấy qua những chai Whisky có đánh dấu số tuổi trên nhãn chai. Vậy chúng có ý nghĩa gì và tầm quan trọng của con số đó ra sao?
Ý nghĩa của số năm tuổi trên chai
Trước tiên, cần phải biết rằng ngày nay việc đánh số chỉ định tuổi của Whisky lên nhãn chai hoàn toàn tùy thuộc vào nhà chưng cất chứ không hề bắt buộc. Con số đó biểu thị duy nhất một điều như sau: số năm tuổi đó chính là số tuổi của mẻ rượu non nhất trong một “blend”.
Giả sử như một chai Whisky Single Malt có chứa hai mẻ rượu, một mẻ 25 năm tuổi chiếm 99.9% tổng thể tích và mẻ rượu 3 năm tuổi chiếm 0.1% thể tích thì chai rượu đó chỉ được phép ghi số tuổi là 3 năm. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng nếu suy nghĩ logic, thì chúng ta hầu như chẳng có cách nào để xác định được đâu là mẻ rượu 12 năm và đâu là mẻ rượu 10 năm khi chúng đã blend lại với nhau. Vì vậy mà phải có một định mức được đưa ra.
Nên nhớ, rượu chỉ được tính số tuổi khi đang ủ trong thùng gỗ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giả sử nếu bạn mua một chai Macallan 12 từ năm 1990 thì không có nghĩa là chai rượu đó đã 32 năm tuổi vào năm 2022.
Chính vì lẽ đó mà trong một chai Whisky có thể sẽ có những sự pha trộn giữa nhiều mẻ rượu với niên đại khác nhau. Thậm chí chúng còn có niên đại cao hơn số tuổi được ghi trên chai. Điều này tạo ra sự thích ứng linh hoạt hơn cho các nhà làm rượu, tuy nhiên với nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì số lượng rượu có niên đại cao đang bị thiếu hụt trầm trọng. Nhiều dòng rượu Whisky đòi hỏi sự pha trộn từ nhiều mẻ rượu có số tuổi khác nhau, vì vậy mà với các dòng Scotch Whisky đòi hỏi số lượng cực lớn thì chuyện đánh dấu số tuổi dường như lại là một gánh nặng.
Gánh nặng ấy còn trực tiếp ảnh hưởng lên thị trường: giữ vững chất lượng các dòng blend được dùng trong các sản phẩm đã có hay để dành những mẻ rượu có niên đại để tạo ra một dòng sản phẩm cao cấp hơn cho phân khúc thị trường hạng sang?

Những chai Whisky không có tuổi ?
Một giải pháp cho vấn đề trên chính là việc không ghi tuổi trên nhãn chai: No Age Statement (NAS). Lựa chọn này ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với các nhà làm rượu. Đơn giản là vì các mẻ rượu ủ lâu năm đã dần cạn kiệt, không thể cung ứng đủ cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Việc làm ra các dòng sản phẩm NAS Whisky cũng đưa ra nhiều lựa chọn hơn cho các nhà chưng cất trong việc quyết định thành phẩm cuối cùng.
Tuy nhiên giải pháp này cũng phụ thuộc vào hai trường hợp: khả năng của nhà sản xuất để cho ra đời các sản phẩm đảm bảo chất lượng cũng như sự nhạy cảm của thực khách đối với việc phải mua một chai Whisky không có số tuổi. Chỉ có thời gian mới làm sáng tỏ vấn đề này.
