Jungle Bird có nguồn gốc từ quầy bar Aviary trực thuộc khách sạn Hilton ở Kuala Lumpur, Malaysia. Nó được sáng tạo bởi Beverage Manager của khách sạn lúc ấy là Jeffrey Ong như là một “welcome drink” cho tất cả các khách mời đến tham dự buổi lễ khánh thành khách sạn lúc bấy giờ. Chi tiết này đã được xác nhận trong tác phẩm “The New American Bartender’s Guide” xuất bản năm 1989.
Nguồn gốc của tên gọi Jungle Bird
Cái tên Jungle Bird có lẽ bắt nguồn từ việc khách hàng ngồi bên trong quầy bar của khách sạn có thể nhìn thẳng hướng ra bể bơi, nơi mà có những chú chim tuyệt đẹp được chưng làm kiểng ở một khu vực gần đó. Cộng thêm việc quầy bar vốn có tên là Aviary, có nghĩa là “cái lồng chim”, cộng với khung cảnh nhiệt đới ở vùng đất Malaysia thì Jungle Bird dường như là cái tên không thể thích hợp hơn.

Theo nguyên gốc, các bartender ở đây sử dụng một loại ly bằng gốm sứ có hình dạng như một chú chim với phần đuôi lộ ra để phục vụ đồ uống. Tuy nhiên có lẽ vì chúng quá đẹp nên việc bị mất cắp liên tục xảy ra. Sự phổ biến của món cocktail này lên tới mức người dân Malaysia coi nó như ly cocktail đại diện cho quốc gia của họ. Đây là điều mà nhiều người hâm mộ cocktail cũng phải công nhận rằng nhắc đến Jungle Bird không thể không nghĩ ngay đến Aviary Bar ở Malaysia.
Năm 2003, cơn sốt Jungle Bird được thổi bùng lên ở Mỹ khi Jeff Berry – một tác giả, bartender đồng thời là sử gia nghiên cứu về nét văn hóa Tiki đã viết về nó trong cuốn sách “Intoxica” của ông.

Tranh cãi
Jungle Bird cũng là một món cocktail gây nhiều tranh cãi về việc nên sử dụng loại Rum nào mới phù hợp. Theo như công thức gốc, Jeffrey Ong đã sử dụng một loại “Black Rum“, về cơ bản chính là các loại Rum ít năm tuổi, được tạo “màu đen” bằng cách cho caramel vào mẻ rượu sau chưng cất.

Việc cho thêm chất caramel này vào rượu Rum nhằm tạo ra hiệu ứng thị giác rằng người ta sẽ nghĩ chai rượu đó đã trải qua quá trình ủ lâu năm. Dù vậy, thứ màu nhân tạo này luôn cho ra một loại màu sắc đậm hơn cả việc ủ rượu trong các thùng gỗ. Nhiều nhà chưng cất đã khẳng định rằng màu “đen” trong các chai rượu mang nhãn “Black Rum” còn đậm hơn việc bạn ủ một mẻ rượu trong thùng gỗ suốt 50 năm.
Trong tác phẩm “Intoxica” được nhắc ở trên, Jeff Berry đã ghi rằng loại rượu mà ông dùng là “Dark Rum“. Điều này tương tự với những gì được đề cập trong “The New American Bartender’s Guide -1989″ . Ông đã thử nghiệm công thức Jungle Bird với các loại Dark Rum có nguồn gốc từ Jamaica và cho rằng chúng vô cùng phù hợp.
Jeff Berry giải thích rằng ở thập niên 1980s, “Dark Rum” đồng nghĩa với việc chỉ có một vài thương hiệu như Myers’s hoặc các loại Rum đến từ vùng Jamaica có mặt trên thị trường lúc bấy giờ mà thôi. Do đó mà ông quyết định giữ nguyên công thức của mình là sử dụng Dark Rum thay vì Black Rum như Jeffrey Ong.

Cũng chính điều này đã chia ra nhiều trường phái pha chế Jungle Bird. Một số bartender thì lại thích dùng các loại Black Rum, số còn lại thì chuộng Dark Rum hơn. Thậm chí một số người blend nhiều phân loại Rum khác nhau lại để tạo nên nền tảng cho món Jungle Bird của riêng mình.
Công thức pha chế Jungle Bird:
45ml Gosling Black Rum (hoặc các loại Dark Rum từ Jamaica)
20ml Campari
45ml nước ép dứa
10ml nước ép chanh
10ml syrup đườngCho tất cả vào bình lắc với đá và lắc đều. Cho ra ly và trang trí bằng lá dứa và một miếng dứa. Về phần trang trí, bạn có thể tham khảo một số lựa chọn trong slideshow bên dưới.