Nếu bạn làm trong ngành hospitality ở Việt Nam, hoặc đã từng nghe đến cuộc thi Diageo World Class thì chắc hẳn không còn lạ gì với cái tên Lâm Đức Anh. Ngoài việc được biết đến với vai trò đại sứ thương hiệu của Diageo Việt Nam, gần đây nhất là chủ quán bar STIR. Anh còn được giới Bartender trong nước biết đến với hơn một thập kỉ làm nghề, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong ngành F&B.
Câu Chuyện Cocktail đã có dịp phỏng vấn anh về những chủ đề liên quan đến tình hình của ngành bar hiện tại cũng như ý kiến của anh về các cuộc thi pha chế.
Với cương vị là Brand Ambassador của Diageo Việt Nam nhiều năm, đồng thời cũng chủ quán bar, anh có nhận xét gì về khả năng hồi phục của ngành bar Việt Nam sau dịch?
Đợt dịch lần này nghiêm trọng và kéo dài khá lâu, điều này dẫn đến rất nhiều những nhà hàng/quán bar sẽ đóng cửa. Thực tế đã có những nơi tuyên bố đóng cửa vô thời hạn như: Envy, Hard Rock Café… đa phần là vì vấn đề mặt bằng. Những quán bar nào còn tồn tại được sau dịch, anh tin rằng sẽ sống lại một cách mạnh mẽ.
Theo anh, các quán bar nên tiếp cận khách hàng như thế nào
nếu được phép hoạt động trở lại?
Các quán bar nói riêng và cả những hàng quán F&B nói chung nên áp dụng Vaccine Passport theo dạng quét QR code, để đảm bảo sự an toàn cho cả nhân viên và khách hàng.
Hình thức cloud-bar cũng là 1 điểm đáng lưu ý để điều chỉnh cho việc thích nghi với điều kiện mới sau covid.

Trong cuộc thi Diageo World Class vừa qua, với vai trò ban tổ chức, anh hài lòng về điều gì nhất và chưa hài lòng về vấn đề gì?
Anh hài lòng vì bản thân anh cùng đội ngũ ban tổ chức đã tạo ra một cuộc thi đáp ứng được các nhu cầu khắt khe do chính nội bộ đặt ra: Thể lệ, quy mô, đãi ngộ thí sinh, sự công bằng và tính cộng đồng cao. Tất cả những điều này tạo nên 1 cuộc thi có độ khó, quy mô, và sự uy tín rất cao cho các bạn thí sinh.
Anh vẫn chưa hài lòng vì 1 số cá nhân thí sinh đến với cuộc thi với tinh thần không tốt, sự chuẩn bị sơ sài. Có thể đấy sẽ là những bài học kinh nghiệm đáng giá cho các bạn trong những lần tiếp theo.

Đối với anh, điều gì tạo nên một cuộc thi pha chế đủ hấp dẫn các thí sinh, ngoại trừ yếu tố giải thưởng?
Thật ra, đối với anh thì bản thân của từ “Giải Thưởng” là tất cả những gì mà 1 cuộc thi mang lại cho thí sinh, không chỉ riêng về phần quà (thường mang tính chất về tài chính)
Ví dụ: “Giải Thưởng” sẽ là:
1. Kinh nghiệm: sự cọ xát, cơ hội gặp gỡ và quan sát đối thủ đến từ rất nhiều quán có kĩ năng, phong cách khác nhau.
2. Trải nghiệm của thí sinh: được trân trọng và được đãi ngộ – chăm sóc, hỗ trợ tốt bởi ban tổ chức trong suốt cuộc thi.
3. Những hoạt động sau khi cuộc thi kết thúc: Rất nhiều những cuộc thi khác đều mắc 1 thiếu sót giống nhau, và điều rất quan trọng, đó là thông thường, sau mỗi cuộc thi, các thí sinh thường xuyên bị “lãng quên”, ngay cả đối với bạn Vô Địch. Các ban tổ chức của những cuộc thi này có thể nghĩ rằng sau khi trao “Giải Thưởng” cho thí sinh thắng là đã hết trách nhiệm. Đây là 1 điều không nên làm, thí sinh thắng cuộc cần được chăm sóc, mời tham dự các sự kiện quan trọng của nhãn hàng. Điều này giúp đẩy các mối quan hệ đôi bên lên cao: thí sinh, outlet, và cả nhãn hàng đều được quan tâm.
Bên cạnh những điều vừa kể trên, thì những điều tiếp theo này cũng tối quan trọng:
a. Thể Lệ – Qui Định – Luật Lệ của cuộc thi.
b. Các thử thách – đề thi
c. Sự Công bằng
Món cocktail nào mà mọi người phải thử khi ghé STIR?
Trà Ổi Nha!, Nấm và Hoa, Xôi Mít, Tàu Hủ
Vấn đề training cho đội ngũ nhân viên, cả bên trong lẫn bên ngoài quầy bar, đối với anh quan trọng như thế nào?
Cực kì quan trọng, quyết định sự thành công của quán
Đôi lời gửi đến độc giả của Câu Chuyện Cocktail?
Luôn nâng cấp tri thức, tác phong, và tư duy của bản thân sẽ giúp các bạn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Thời gian này là 1 thời điểm rất thích hợp để tìm tòi, nghiên cứu, và học hỏi thêm rất nhiều thứ.
