Mặc cho cách viết, sự phát âm đúng của tên loại rượu này là “puh-cheen”. Đây là một loại rượu đã được sản xuất tại Ireland từ đầu thế kỉ 17, với nguyên liệu chính là các mẻ khoai tây vừa được thu hoạch. Cái tên Poitín bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Ireland, với từ “pota” , có nghĩa là “cái nồi nhỏ”, ý chỉ về quy mô sản xuất của loại rượu này luôn thuộc vào diện nhỏ lẻ, không đáng kể. Dần dần chữ Poitin được cách tân theo ngôn ngữ Anglo – Saxon và chúng còn được gọi là “Poteen”.
Lịch sử của Poitín
Về cơ bản, Poitín khá giống với Vodka, nhưng vị của nó thì có hơi hướm như là kẹo bơ cứng, nhưng lại kèm theo một thứ mùi và cảm giác như bạn đang uống dầu ăn vậy, rất lạ kì và khó chịu. Ở thế kỉ 17 khi mà việc sản xuất Poitín vẫn còn nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật, nhiều người đã dùng methanol (hợp chất hóa học MeOH) hay còn gọi là “cồn công nghiệp”, vốn là một hợp chất rất độc hại để nấu rượu. Từ đó cho ra đời những mẻ rượu Poitin vốn chẳng thể nào tiêu thụ được, đa số có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì thế mà trong một khoảng thời gian dài, Poitín đã bị xóa sổ khỏi lịch sử. Những người nấu rượu Poitín thời bấy giờ phải thức đêm canh nồi rượu trên những ngọn đồi hẻo lánh, và cũng chỉ dám nấu những mẻ vô cùng nhỏ, để tránh sự phát hiện của chính quyền.
Tuy nhiên cũng vì vấn đề này mà các băng đảng tội phạm bắt đầu hoành hành, thâu tóm các xưởng làm rượu và điều hành mạng lưới buôn bán rượu lậu bất hợp pháp. Do vậy mà hình ảnh những người làm rượu thức đêm thời đó, mặc cho họ có dính đến các băng đảng hay không, đều bị quy ghép vào hàng tội phạm. Poitín từ đó còn được gọi là “Irish Moonshine”.

Dĩ nhiên là người dân Ireland vẫn không từ bỏ loại rượu này, những người làm rượu chân chính vẫn sản xuất Poitín theo đúng cách, và họ dùng nó như một phương thuốc trị các bệnh liên quan đến khớp xương, họ còn dùng nó cho việc điều trị bệnh liệt dương, ở cả người và cả động vật. Thậm chí, trong các cuộc đua ngựa, trước khi bắt đầu người ta sẽ cho ngựa uống Poitín để tăng cường sức lực.
Tính hợp pháp
Đến năm 1987, thì việc sản xuất rượu Poitín mới chính thức được hợp pháp hóa. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại người ta ước tính vẫn còn khoảng 50 lò rượu sản xuất Poitín lậu. Mặc dù năm 2008, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định công nhận nguồn gốc bản địa của Poitín và chính phủ Ireland cũng đã có quyết định về việc thành lập luật quy định cho sản xuất Poitín vào năm 2015, sự hợp pháp của Poitín vẫn không được công nhận.
Thậm chí ngay chính quốc gia tạo ra nó, các bartender sẽ nói với bạn rằng Poitín chẳng khác nào hàng cấm, tương tự như ma túy vậy. Một lý do đơn giản là vì có quá nhiều nơi sản xuất Poitín lậu, không đúng quy trình và đảm bảo sự an toàn cho người uống.

Các loại Poitín được chưng cất kĩ lưỡng, đúng theo quy định hiện thời, với nồng độ cồn 40% có thể được xem xét tương tự như một dạng Whiskey không trải qua quá trình ủ trong thùng gỗ. Còn các loại Poitín bất hợp pháp sẽ có nồng độ cồn lên tới 80-90%, và chỉ có Chúa mới biết bên trong chúng chứa những thứ gì.
Quy trình sản xuất
Như đã nói, Poitín chủ yếu làm từ khoai tây, nhưng cũng có thể làm từ các loại củ cải đường, hoặc táo. Các nguyên liệu được lên men trong các thùng gỗ khoảng 3 tuần, sau đó đem chưng cất hỗn hợp này để cho ra một loại rượu trong suốt, đó chính là Poitín. Nếu bạn thử đốt một mẫu nhỏ Poitín và ngọn lửa hiện lên màu đỏ, chứng tỏ đó là rượu Poitín lậu được sản xuất bằng Methanol. Do hợp chất Ethanol sẽ cho ra lửa màu xanh, và chất này chỉ sinh ra nếu bạn sản xuất rượu theo đúng quy trình lên men & chưng cất.

Ngày nay thì Poitin dường như ít được biết đến, nhưng ở một số nơi trên thế giới, người ta bắt đầu dùng những loại rượu như thế để tạo ra các đồ uống khác nhau. Âu cũng là một điều mới mẻ, thay vì các loại rượu mạnh phổ thông, thì Poitin dường như là cơn gió lạ đang thổi vào thế giới của rượu và cocktail này.
Một số thương hiệu Poitín hiện đại như MICIL, Glendalough đang dần dần khẳng định vị trí của mình với dòng rượu này. Hi vọng trong tương lai Poitín có thể trở nên phổ biến hơn, làm phong phú thêm các lựa chọn về rượu mạnh cho thực khách.