Pisco là một loại rượu mạnh trong suốt được làm từ nho. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại người ta vẫn đang tranh cãi rằng giữa Peru và Chile, ai mới là chủ nhân thực sự của Pisco. Cả hai nước đều sản xuất loại rượu này một cách rộng rãi, với nhiều thương hiệu khác nhau. Cuộc chiến này đã kéo dài qua nhiều thế hệ, và có lẽ sẽ rất lâu nữa mới đến hồi kết.
Tranh cãi về nguồn gốc của Pisco
Năm 1879 – 1883, Chile đang rơi vào một cuộc chiến với hai nước là Peru và Bolivia. Đến 1929, một phần lãnh thổ của Peru là vùng Arica được sáp nhập vào Chile, làm mối thù này càng đậm sâu hơn, kèm theo đó là tranh cãi về việc nước nào là nước sở hữu loại rượu Pisco chính gốc. Người Peru tin rằng Pisco thuộc về họ khi thực dân Tây Ban Nha lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này và bắt đầu trồng nho để làm rượu vang. Với luận cứ này, họ cho rằng Pisco chưa hề xuất hiện trên đất Chile cho đến khi cuộc chiến tranh 1879-1883 nổ ra.
Tuy nhiên, xét đúng về mặt thời điểm lịch sử thì khi Pisco xuất hiện, cả Peru lẫn Chile đều chưa từng tồn tại độc lập. Cả hai nước đều đang là một, tồn tại dưới tên gọi “Viceroyalty of Peru” – Phó Vương Phủ Peru, vốn dĩ là một thuộc địa của Tây Ban Nha. Người Chile dựa vào điểm này và nói rằng nếu Pisco được tạo ra trong khoảng thời gian cả hai nước là một thì họ hoàn toàn có quyền sở hữu nó, tương tự như Peru.
Mặc dù vậy, người Peru vẫn cho rằng Chile vốn là một lãnh thổ hoàn toàn khác biệt, với khí hậu, đất đai, con người và nét văn hóa riêng biệt, không thể đồng nhất cả hai là một. Dù cho lịch sử chỉ ra rằng cả hai nước đều nằm chung quyền quản trị của thực dân Tây Ban Nha, vẫn chẳng ai chịu nhường ai.

Năm 2013, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức công nhận Pisco có xuất xứ và nguồn gốc từ Peru. Theo các chuyên gia nghiên cứu, Pisco có tên gọi đến từ thành phố cảng cùng tên, cách thủ đô Lima 143 dặm về phía Đông Nam, vốn dĩ đã tồn tại từ trước thời kì thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha. Dựa theo quyết định này, các loại Pisco được sản xuất ở Peru sẽ được bảo hộ chứng nhận của EU ở thị trường châu Âu. Nhưng không vì thế mà các NSX rượu Pisco ở Chile sẽ mất đi quyền lợi của mình trên thị trường quốc tế.
Phân loại
1. Peruvian Pisco
Trước tiên, Pisco ở Peru phải được sản xuất ở 5 vùng quy định: Lima, Ica, Tacna, Arequipa, Moquegua. Chúng được chưng cất bằng nồi đồng tròn (copper pot still). Sau khi chưng cất, người Peru không cắt giảm nồng độ cồn mà sẽ tiến hành đóng chai ngay sau khi ủ.
- Puro : hay còn gọi là Pure, được sản xuất từ một giống nho duy nhất, chủ yếu là giống Quebranta. Loại Pisco này không được phép blend với các mẻ Pisco của các phân loại khác.
- Aromaticás : còn gọi là Aromatic, chủ yếu được làm từ các giống nho Muscat hoặc các loại nho có trực hệ với Muscat. Một số loại nho khác như Albilla, Italia, Torontel cũng có thể được dùng để sản xuất Aromaticas. Tương tự như Puro, Aromaticas chỉ được phép sử dụng một giống nho duy nhất và không được blend.
- Mosto Verde : hay gọi là Green Must, được chưng cất từ nước ép nho đã lên men một phần gồm cả phần hạt, vỏ và cuống nho. Chúng có thể được làm từ các giống nho khác nhau và NSX có thể lựa chọn chỉ dùng một loại nho hoặc blend nhiều loại.
- Acholado : tên gọi khác là Multivarietal, được làm từ nhiều giống nho khác nhau và blend lại
Pisco được làm ở Peru còn phải đảm bảo hai tiêu chí sau:
- Vấn đề ủ : rượu phải được ủ ít nhất 3 tháng trong các thùng chứa bằng kim thủy tinh, thép không rỉ, hoặc bất kì các vật chứa nào làm từ nguyên liệu mà sẽ không làm thay đổi các tính chất hóa học, mùi vị nguyên bản của nó. Đồng nghĩa với việc Pisco sẽ không được phép ủ trong các thùng gỗ.
- Chất phụ gia : NSX không được phép sử dụng các chất điều vị, tạo màu, tạo mùi nào vào sản phẩm cuối cùng nhằm thay đổi màu sắc, nồng độ hay mùi vị của Pisco.
- Nồng độ : nồng độ cồn phải từ 38% – 48%

2. Chilean Pisco
Phải được sản xuất ở hai vùng quy định: Atacama & Coquimbo. Người ta sử dụng một hệ thống chưng cất đặc biệt gọi là “semi-discontinuous distillation system” để làm ra đa số các Pisco ở Chile. Có nghĩa là trong quá trình chưng cất, họ sẽ liên tục thay phần nguyên liệu thô, kết hợp với mẻ nguyên liệu cũ còn sót lại từ quá trình trước. Đồng nghĩa với việc những loại Pisco này có thể được chưng cất qua nhiều lần, tùy vào ý muốn của NSX.
Chilean Pisco cũng được phép ủ trong các thùng gỗ, trái với Pisco được làm từ Peru. Điều này tạo ra nét độc đáo riêng cho từng thương hiệu khác nhau. Ví dụ như một NSX có thể phối trộn một mẻ Pisco được chưng cất một lần với các mẻ được chưng cất nhiều lần, tùy vào profile của sản phẩm muốn đưa ra thị trường.
Phân loại của Chilean Pisco được dựa vào nồng độ cồn.
- Corriente: còn gọi là Tradicional, với nồng độ từ 30% – 35%
- Especial: nồng độ từ 35% – 40%
- Reservado: nồng độ 40%
- Gran Pisco: nồng độ từ 43% – 50%
Các giống nho ở Chile phải được trồng và phân thành 2 nhóm dựa theo mùi vị của chúng:
- Muscat : Pink Muscat, Muscat of Alexandria – hương thơm và mùi vị nổi trội
- Pedro Jiménez, Moscatel de Asturia, Torontel – mùi vị nhẹ nhàng, thanh nhẹ
