


Nếu bạn là một bartender, phần nhiều khi khởi đầu với nghề bạn sẽ phải học rất nhiều công thức. Phần lớn trong số chúng sẽ là classic cocktail, nhưng có không ít món được gọi là “modern classic”. Vậy modern classic cocktail nghĩa là gì? Và tại sao có những thức uống mà người ta vẫn nhắc đến nó hàng chục năm sau và xuất hiện trên khắp các menu cocktail ở khắp nơi, còn có những thức uống chỉ nổi lên trong một thời điểm nhất định và bị quên lãng?
Một số ví dụ tiêu biểu của các món cocktail được cho là modern classic gồm: Aperol Spritz, Gin Gin Mule, Cosmopolitan, Whiskey Smash, Penicillin,… Dù cho chúng không xuất hiện cùng thời điểm, và cũng có rất nhiều khác biệt về nguyên liệu, nhưng có một điều không thể phủ nhận là sự hiện diện của chúng đã phủ sóng khắp thế giới, từ London đến Tokyo, New York đến Sydney và nhanh chóng trở thành những thức uống yêu thích của số đông. Tuy nhiên, ta đều phải công nhận chúng đều xuất hiện và phổ biến từ sau thập niên 1970s, nên có thể xem đây là mốc thời gian chính thức của phân loại này.
Modern classic cocktail nghĩa là gì?
Nhà báo và tác giả chuyên viết về rượu mạnh và cocktail – Robert Simonson đã đưa ra ba tiêu chí mà một món cocktail phải có để được gọi là “modern classic”:
- Thức uống đó phải phổ biến không chỉ ở nơi mà nó được tạo ra, mà còn phải xuất hiện ở nhiều nơi khác, vượt ra biên giới nơi mà nó xuất hiện lần đầu tiên.
- Thức uống đó phải thực sự phổ biến với công chúng, để họ có thể tìm đến vì cái tên của nó.
- Thức uống đó phải được cộng đồng bartender (nội địa lẫn quốc tế) đánh giá cao và nó phải dễ làm để có thể thực hiện được ở bất kì quán bar nào.

Lấy món Penicillin làm ví dụ. Đây là một ly cocktail được tạo ra bởi Sam Ross, khi ông còn làm việc tại bar Milk & Honey, một trong những nơi nổi tiếng nhất nước Mỹ vào đầu thế kỉ 21 về cocktail. Trong Penicillin gồm có Blended Scotch Whiskey, syrup gừng và mật ong, nước chanh vàng và Laphroaig 10 Single Malt.

Mặc dù Milk & Honey đã đóng cửa từ rất lâu, nhưng Penicillin vẫn xuất hiện ở khắp các menu cocktail ở mọi nơi trên thế giới, và cho dù trong menu của quán bạn không có món này đi nữa, thì bạn vẫn nên biết cách làm một ly Penicillin nếu là một bartender.
Một món cocktail khác xuất hiện vào năm 2007, tại quán bar PDT New York đã tạo nên cơn sốt với cộng đồng bartender khắp nơi. Nhờ sử dụng kĩ thuật “fat wash”, bartender Don Lee đã tạo ra món “Benton Old Fashioned”, một biến thể của món Old Fashioned với rượu Bourbon được fat wash với mỡ nấu từ thịt xông khói, kết hợp cùng Angostura Bitters và syrup lá phong (maple syrup). Ngay lập tức nó trở thành thức uống bán chạy nhất trong menu của PDT thời bấy giờ. Không lâu sau đó, các bartender liền thử nghiệm với kĩ thuật fat wash, và vô số biến thể khác nhau của Old Fashioned lại được ra đời.

Hay lấy Breakfast Martini làm một ví dụ nữa. Gin, rượu mùi cam, nước chanh vàng và một muỗng mứt cam (orange marmalade) , vốn là thứ người ta hay dùng để ăn sáng cùng bánh mì. Bartender người Ý Salvatore Calabrese lấy cảm hứng cho ly cocktail này từ một buổi ăn sáng mà vợ đã chuẩn bị cho mình và nằng nặc bắt ông phải ăn (Salvatore thường chỉ uống cà phê vào buổi sáng). Ông nói rằng công thức này rất dễ làm và có thể linh động tuỳ vào bạn ở bất kì nơi nào trên thế giới. Dĩ nhiên là bartender khắp mọi nơi ngay lập tức đưa Breakfast Martini vào menu của họ.

Trên đây chỉ là một số ví dụ điển hình về “modern classic cocktail”. Theo thời gian, đến chục năm sau, hay đến trăm năm sau, khi người ta vẫn còn nhắc tên của những ly cocktail modern classic đó, chúng sẽ trở thành những món classic, tương tự như những Gimlet, Manhattan, Martini, v.v…