“Algonquin, một cái tên rất lạ, hầu như còn rất rất ít người nhớ đến cái tên này. Âu cũng không có gì lạ, vì vạn vật rồi cũng sẽ bị trôi theo dòng thời gian.”
Trước tiên, phải nói về cái tên Algonquin – đây là tên của một khách sạn tọa lạc tại thành phố New York, và món cocktail này được đặt tên theo khách sạn ấy. Nhưng nếu chỉ có vậy thì sự kiện gì đã khiến thức uống này có tên trong sử sách?
Lịch sử ra đời của Algonquin
Quay trở về thời kì hậu Đệ Nhất Thế Chiến, tình hình các nước phương Tây lúc này đã tạm ổn định. Điều này cũng kích thích giới tri thức, văn nghệ sĩ trở nên năng động hơn trong công việc của họ. Và đã có một nhóm những tác giả, những bậc tri thức trong giới nghệ thuật, văn chương tiêu biểu của thành phố New York đã tụ họp lại với nhau hằng ngày để luận bàn thế sự. Địa điểm gặp mặt không ở đâu khác chính là tại khách sạn Algonquin. Nhóm này gặp nhau nhiều đến độ người ta ví họ như các hiệp sĩ bàn tròn thời vua Arthur, và gọi họ là “Algonquin Round Table” (Hội Bàn Tròn Algonquin). Những người trong hội này cũng chính là những người sau này đã tạo ra tờ tạp chí The New Yorker nổi tiếng nước Mỹ vào năm 1925.

Một điều trớ trêu thay cho Hội Bàn Tròn Algonquin, rằng đây là thời điểm mà nước Mỹ đang phải sống với luật cấm rượu (Prohibition). Và các văn nghệ sĩ này thì ai ai cũng là những tay uống rượu đáng gờm, thế là sau mỗi buổi ăn trưa tại khách sạn, họ phải lén đi sang một quán bar ngầm gần đó để uống cho thỏa chí. Để nói rõ tình cảnh thời bấy giờ thì các bạn phải hiểu là mặc cho nước Mỹ đang thực hiện lệnh cấm rượu, người chủ khách sạn Algonquin lại là một tay hâm mộ giới văn nghệ sĩ đến tột cùng, vì thế mà ông đã nhanh tay ra lệnh cho các bartender ở đây tạo ra một món cocktail đặc trưng cho khách sạn của mình, đồng thời chính ông cũng là người móc nối cho Hội Bàn Tròn Algonquin với quán bar ngầm bên kia đường.
Đó là câu chuyện được người ta kể lại, gắn kèm với sự tích huy hoàng lẫy lừng của nước Mỹ những thập niên 1920s. Tuy nhiên, chuyện kể lại thì luôn có sự sai lệch, đôi khi là rất lớn. Theo bartender huyền thoại Gary Regan, ông cho rằng món cocktail Algonquin được in trong các đầu sách về cocktail hiện nay có nguồn gốc sớm nhất là vào những năm 1940s – tức là khoảng thời điểm gần kề Đệ Nhị Thế Chiến, với công thức hoàn toàn khác hẳn so với thức uống mà ngày nay ta gọi là Algonquin.
Dù sao đi nữa thì Gary cũng công nhận là chẳng có một tài liệu nào đủ mức độ xác thực để đối chiếu với tìm hiểu của ông. Cũng như không thể nào biết được nguồn gốc thực sự của món cocktail này. Vì thế mà đại chúng đành chấp nhận rằng hỗn hợp làm từ Rye Whiskey, nước ép dứa và Dry Vermouth kia chính là Algonquin, và câu chuyện về Hội Bàn Tròn tại khách sạn ấy được mọi người chấp nhận như là nguồn gốc của ly cocktail này.
Công thức pha chế Algonquin:
– 45ml Rye Whiskey
– 20ml Dry Vermouth
– 20ml nước ép dứa
Cho tất cả nguyên liệu vào bình lắc với đá và lắc đều, sau đó rót rượu ra ly. Bạn có thể không trang trí hoặc sử dụng một quả cherry.