Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao chúng ta phải lắc một món Cocktail ?
Sử dụng kỹ thuật Shaking (lắc) giúp cho nguyên liệu hòa trộn với nhau, đồng thời làm lạnh đồ uống và giảm đi nồng độ cồn trong rượu. Đây là 1 kỹ thuật cơ bản nhất của việc pha chế. Khi lắc, các nguyên liệu sẽ chuyển động theo 1 quỹ đạo cố định khiến chúng có tiếp xúc và hòa trộn một cách đồng đều.
Trước khi lắc, đảm bảo bình lắc phải sạch, đây là vấn đề vệ sinh cơ bản. Tiếp theo là phải biết kiểm soát lượng đá cho vào trong bình, nếu cho quá ít đá, thì khi lắc, đá sẽ tan ra hết. Điều này dẫn đến việc bạn sẽ có một món đồ uống rất loãng (watery). Tốt nhất là nên cho đá lấp đầy 2/3 bình lắc.
Luôn cầm bình lắc với hai tay và chuyển động theo một hướng nhất định khi lắc. Một lời khuyên chân thành là đừng bao giờ cho các đồ uống có gas vào trong bình với đá rồi lắc lên.
Bình lắc gồm hai loại :
1. Boston Shaker (bình lắc 2 mảnh):
Gồm 2 phần là một cái ly kim loại cỡ lớn và một ly thủy tinh cỡ nhỏ hơn dùng để làm nắp đậy khi lắc. Boston Shaker vô cùng được ưa chuộng bởi các Bartender phương Tây nhưng lại không được lòng các Bartender châu Á, nhất là người Nhật Bản.
Loại này có thể dùng để pha chế với dung lượng lớn do kích cỡ to, nhưng đồng nghĩa với việc các nguyên liệu sẽ di chuyển nhiều hơn, khiến đồ uống dễ bị loãng. Chưa kể đến việc đa số mọi người đều gặp khó khăn thì mở nắp bình và bạn còn phải dùng một muỗng lọc riêng để có thể rót đồ uống vào ly. Một loại shaker khác tương tự là Parisian Shaker, hơi khác về mặt cấu tạo nhưng về chức năng cũng tương tự.
2. Cobbler Shaker (bình lắc 3 mảnh)
Gồm 3 bộ phận đều làm từ kim loại là thân bình, bộ phận lọc và nắp đậy. Xuất hiện tại Mỹ vào năm 1872 thông qua các Bartender người Nhật. Loại bình này thường dùng để pha Cocktail với dung lượng nhỏ và khá phổ biến vì nó dễ xài hơn Boston Shaker. Đặc biệt là khi lắc, các nguyên liệu sẽ không di chuyển nhiều do độ lớn của bình nên đồ uống sẽ không bị loãng nhiều.

Chọn bình lắc nào và cách lắc ra sao thì tùy vào thức uống bạn muốn pha và tùy vào mỗi người. Vấn đề này còn liên quan đến cả khâu vận hành của nơi mà bạn làm việc.